0983 221 004

Chỉ trong năm 2022, rất nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đã tiến quân vào các thị trường lớn như sầu riêng, khoai lang, tổ yến,…xuất đi Trung Quốc; bưởi xuất Mỹ; nhãn xuất Nhật; bưởi, chanh xuất New Zealand,…

Ngành sản xuất đối mặt với những khó khăn như giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng cao, xung đột Nga – Ukraina tác động đến chính sách bảo hộ sản xuất của các nước, yêu cầu nhập khẩu ngày một khắt khe,…Tuy nhiên, năm 2022 vẫn được đánh  giá là năm thành công trong xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản với nhiều kỷ lục mới. Xuất khẩu các sản phẩm của ngành nông nghiệp đạt trên 53 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 7,8 tỷ USD, tăng gần 48% so với năm ngoái.

Xuất khẩu Việt Nam năm 2022 đạt được nhiều kỷ lục mới

Nhiều kỷ lục mới được chinh phục

Sau hơn 20 năm tham gia thị trường quốc tế, lĩnh vực thuỷ sản đạt kỷ lục xuất khẩu gần 11 tỷ USD. Theo bà Lê Thanh Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), đây là năm có nhiều kỷ lục nhất. Cụ thể: tôm đạt kỷ lục 4,3 tỷ USD, cá tra đạt 2,4 USD với mức tăng trưởng kỷ lục 80% và lần đầu tiên cá ngừ đạt mốc 1 tỷ USD.

Năm 2022, lạm phát đạt đỉnh 40 năm của nhiều thị trường, xung đột Nga – Ukraina khiến chi phí tăng cao, biến động tỷ giá tiền tệ khiến nhập khẩu giảm,…Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự linh hoạt trong đa dạng hoá sản phẩm và thị trường để thích nghi với bối cảnh mới.

Điển hình là khi sản lượng tôm trong nước gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đã tập trung vào sản phẩm giá trị gia tăng xuất đi Nhật, Úc,..Hay với biến động tỷ giá hối đoái, các doanh nghiệp đã lựa chọn thị trường ổn định, ít biến động hơn như Mexico.

Với ngành thuỷ sản, sau 2 năm hạn chế do dịch Covid-19, nhu cầu của của các thị trường lớn như EU, Mỹ,…tăng trưởng mạnh mẽ trong khi nguồn cung của nhiều nước bị gián đoạn, hạn chế. Điều này khiến giá thuỷ sản xuất khẩu tại nhiều thị trường tăng mạnh, điển hình là cá tra có thị trường tăng đến 50% so với năm trước.

Xuất khẩu thuỷ sản tăng trưởng mạnh mẽ sau đại dịch

Trong bối cảnh lạm phát, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mang lại lợi thế rất lớn, tạo sức cạnh tranh cho thuỷ sản Việt Nam, nhất là các thị trường trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Xuất khẩu sang khối thị trường này đã tăng 30%, chiếm tỷ trọng 26-27% trng tổng giá trị xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam.

Ngành gạo Việt Nam cũng đạt mức xuất khẩu kỷ lục 7 triệu tấn nhờ chính sách thắt chặt xuất khẩu lương thực của một số quốc gia. Giá cao khiến các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Dự báo đầu năm 2023, giá gạo ở mức cao nên hợp đồng gạo trong niên vụ mới vẫn duy trì ở trạng thái tốt.

Nhìn lại kết quả của ngành nông nghiệp đạt được năm 2022, ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam đánh giá nông nghiệp cũng như các ngành khác đang nỗ lực phục hồi sau dịch Covid-19. Những kết quả ngoạn mục mà ngành nông nghiệp đã đạt được là thành quả của của quá trình tích luỹ từ nhiều năm cơ cấu lại với nền tảng phát triển vững chắc.

Tận dụng tối đa mở cửa thị trường

Trải qua có trình đàm phán, tích luỹ từ nhiều năm trước, năm 2022, các loại nông sản Việt Nam được chấp thuận khá nhiều ở các nước.

Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật nhấn mạnh: “Năm 2023, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục nỗ lực mở cửa nhiều thị trường hơn với nhiều mặt hàng hơn. Nhưng quan trọng là những gì đã mở cửa được phải duy trì bền vững và mở rộng thị phần. Đó là thành công của đàm phán cũng như thành công của ngành hàng đó”.

Đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch thực vật, vệ sinh an toàn thực phẩm là bắt buộc cho phát triển bền vững

Việc thiết lập mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói là bắt buộc liên quan đến kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu. Theo yêu cầu của từng thị trường, các đơn vị chuyên môn ngành nông nghiệp đều hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp xây dựng mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói. Với cách làm như vậy, diện tích cấp mã số vùng trồng sẽ được mở rộng nhanh, góp phần định hướng cho người nông dân thực hành sản xuất chuyên nghiệp hơn theo đúng tiêu chuẩn và thị hiếu thị trường. Hiện cả nước có trên 3.000 ha cây trồng đã có mã số vùng trồng.

Bước sang năm 2023, khi lạm phát tăng cao ngấm sâu vào thói quen của người tiêu dùng, xuất khẩu thuỷ sản sẽ chững lại khi bắt đầu có những dấu hiệu tưg quý 4/2022 và có thể kéo dài sang quý 1/2023, thậm chí hết nửa đầu năm 2023. Kỳ vọng nửa cuối năm 2023, khi thị trường phục hồi, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng trở lại. Để đủ sức duy trì cũng như đón đầu những làn sóng mới của thị trường, kỳ vọng nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ về thị trường, thuế, vốn,…cho doanh nghiệp.

Để xuất khẩu nông sản tăng trưởng dương trong năm 2023, các doanh nghiệp cần tiếp tục áp dụng linh hoạt chính sách đa dạng hoá thị trường, bao gồm cả Trung Quốc. Các hiệp hội, doanh nghiệp, người sản xuất cần đảm bảo giữ vững chứ tín của sản phẩm trên thị trường; tổ chức sản xuất đáp ứng các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, hoàn thiện khâu sau thu hoạch bao gồm cả đóng gói, bao bì,…Thời cơ đã đến, vấn đề là tâm thế xuất khẩu sản phẩm mà thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn. 

Theo Trang Phạm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *