0983 221 004

Từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023 đến nay, thị trường lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra sôi động. Trong khi doanh nghiệp có nhiều đơn hàng xuất khẩu thì nông dân phấn khởi nhờ giá tăng.

Bức tranh khả quan về ngành xuất khẩu lúa gạo

Năm 2022, ngành gạo đạt kỷ lục với sản lượng xuất khẩu 7,11 triệu tấn, giá trị 3,46 tỉ USD, tăng 13,8% về khối lượng và 5,1% về giá trị so với năm trước (Bộ NN-PTNT).

Sự tăng trưởng về ngành gạo đã thể hiện ngay từ đầu năm khi giá gạo xuất khẩu đạt 507,5 USD/tấn ngay vào tháng 1-2023, tăng so với mức 486,2 USD/tấn trung bình năm 2022.

Đơn hàng xuất khẩu nhiều, giá gạo tăng mạnh từ đầu năm 2023

Ông Phan Thành Bắc, Giám đốc HTX Sơn Hoà (tỉnh An Giang) cho biết, HTX Sơn Hoà vụ đông xuân năm nay có 630 ha lúa, dự kiến thu hoạch vào đầu tháng 3. Giá lúa tươi hiện tại đang ở mức 6.800 – 7.000 đồng/kg, trong khi năm ngoái chỉ 5.700 – 5.800 đồng/kg. 

Nếu tình hình xuất khẩu gạo ổn định cùng mức giá như hiện nay, nông dân có thể thu lợi nhuận tối thiểu 30 triệu đồng/ha. Ở các địa phương khu vực miền Đông Nam Bộ như Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, kể cả các huyện ngoại thành của Tp HCM, giá lúa tươi đạt 6.500 đồng/kg đã bảo đảm cho nông dân có lãi.

Ông Lương Văn Hùng, kỹ sư nông lâm nghiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sharefarm, nhận định giá gạo đang cao nhất trong 10 năm qua và có thể vượt đỉnh năm 2019 (520-530 USD/tấn). Nguyên nhân do nạn mất mùa, nhu cầu nhập khẩu của các nước trên thế giới đang tăng. Trong khi đó, giá lúa gạo trong 10 năm qua tương đối ổn định khi giá nguyên liệu và vật tư đầu vào liên tục tăng cao. Tại Việt Nam, mặc dù sản xuất lúa khá thuận lợi nhưng hiệu quả kinh tế đem lại không cao so với một số cây trồng khác nên nguồn cung không tăng. Do vậy, dự báo giá gạo tăng trong thời gian tới là vô cùng khả quan.

Cẩn trọng với các “hợp đồng giao xa”

Gạo Việt Nam đang có lợi thế trên trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Sau thời gian đóng băng vì thực hiện chính sách “Zero Covid”, Trung Quốc vừa mở cửa trở lại và có nhu cầu nhập khẩu gạo cao. Người Trung Quốc rất ưa chuộng các loại gạo hạt dài giống ST của Việt Nam dù giá cao và hiện nay Việt Nam cũng chưa cung cấp đủ nhu cầu. Năm nay, hạn ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc có thể lên tới 1 triệu tấn so với con số 400.000 tấn vào những năm trước.

Ngoài ra, các nước nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam như Indonesia, Philipines, Malaysia,…cũng tăng mua dự trữ do mất mùa. Những thị trường giá cao, không cần hạn ngạch như Mỹ cũng có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam rất lớn.

Nông dân vui mừng khi lúa gạo được giá

Dù vậy, các doanh nghiệp nên cẩn trọng với những đơn hàng ký trước. Bởi lẽ, giá gạo có thể tăng mạnh trong thời gian tới, khi hàng chưa có sẵn trong kho, doanh nghiệp buộc phải chịu lỗ, gom hàng giá cao để giao hàng theo hợp đồng ký trước nhằm không bị phạt hợp đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đánh giá: “Năm 2023 xuất khẩu gạo thuận lợi khi thị trường có nhu cầu cao, chỉ chờ khả năng sản xuất đáp ứng đến đâu. Dự báo Việt Nam xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn gạo, giảm hơn so với năm 2022 vì lượng hàng năm cũ hầu như đã xuất khẩu hết, không còn chuyển giao cho năm mới như trước đây nhưng kỳ vọng giá trị thu về vẫn vượt 3 tỉ USD. Ngành gạo đang giảm số lượng và tăng chất lượng như định hướng cũng như một phần giá trị xuất khẩu đã chuyển sang các ngành sau gạo như: bún, bánh, phở… cũng đang được các nhà nhập khẩu ưa chuộng”.

Theo Chí Thiện

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *