0983 221 004

Sầu riêng Việt Nam nhập khẩu vào Trung Quốc đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ Thái Lan, Malaysia. Hai nước này có nền tảng sản xuất, đóng gói, quy trình xuất khẩu quy mô hơn Việt Nam. Thương hiệu của họ tại thị trường Trung Quốc cũng mạnh hơn và là cản trở đối với sầu riêng Việt Nam.

Tại Diễn đàn “Thúc đẩy thương mại nông sản, thuỷ sản và sản phẩm thuỷ sản giữa Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Tây)” diễn ra ngày 8/3, đại diện Công ty thương mại Quốc tế Sunwah (Quảng Châu) đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nâng cao hạn mức xuất khẩu bằng cách cho họ phối hợp với các doanh nghiệp đóng gói của Việt Nam, góp phần tiêu chuẩn hoá nguồn hàng, làm lạnh, vận chuyển,….Cũng theo đại diện doanh nghiệp này, để thắng trên thị trường cần có thương hiệu. Từ sầu riêng sẽ kéo theo các loại hoa quả khác của Việt Nam đi theo con đường tạo thương hiệu lành mạnh.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang có nhu cầu xuất khẩu khoai tây, cam quýt vào Vân Nam. Song, trong quá trình giao dịch xảy ra nhiều vụ vi phạm hợp đồng làm ảnh hưởng xấu đến uy tín xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam.

Sầu riêng Việt Nam gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ sầu riêng Thái Lan, Malaysia và Myanmar tại thị trường Trung Quốc

Mặc dù mới chỉ được xuất khẩu chính thức từ tháng 9/2022, Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 400 triệu USD sầu riêng Việt Nam. Dự báo, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường tỷ dân này có cơ hội đạt trên 1 tỷ USD vào năm 2023.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, mỗi năm Trung Quốc nhập khoảng 4 tỷ USD sầu riêng, 90% nhập khẩu từ Thái Lan, còn lại nhập từ Malaysia và Myanmar dưới dạng cấp đông.

Hiện nay, Thái Lan đã có hàng ngàn mã xuất khẩu và được xuất khẩu sầu riêng đông lạnh trong khi Việt Nam mới được cấp 113 mã xuất khẩu và chưa được phép xuất khẩu đông lạnh.

Đáng lo ngại, thời gian gần đây nhiều nông dân đã chặt bỏ các loại cây trồng khác để trồng sầu riêng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về tình trạng trên, cũng như rủi ro về chất lượng, thị trường tiêu thụ.

Trong khi đó, theo các doanh nghiệp xuất khẩu, sầu riêng Việt Nam hiện nay xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc luôn có giá thấp hơn khoảng 20% so với Thái Lan. Mặt khác, Thái Lan mới đây đã nâng tiêu chuẩn sầu riêng xuất khẩu vào Trung Quốc có chất khô đạt tối thiểu 35%, cao hơn mức 32% so với trước kia. Theo đó, quả sầu riêng có ít nước hơn, múi chắc và ngon hơn. Động thái này của Thái lan được cho là yếu tố cạnh tranh trực tiếp mạnh mẽ với sầu riêng Việt Nam.

Thực tế, tăng sản lượng hay mở rộng diện tích không phải là yếu tố quyết định sự thành công của trái sầu riêng Việt Nam. Thay vào đó là chiến lược bài bản để kiểm soát chất lượng và giá thành, nếu không sẽ khó thắng được đối thủ cạnh tranh.

Theo Minh Huy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *