0983 221 004

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, ngành cafe Việt Nam đang trên đà phát triển nhưng cần tăng giá trị hơn nữa, không dừng lại ở chế biến sâu hay đa dạng sản phẩm mà cần chú ý đến cả yếu tố văn hoá, trải nghiệm, du lịch gắn với cây cafe.

Phát triển cafe chất lượng cao

Cafe là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam với diện tích cả nước hơn 710.000ha, sản lượng trên 1,8 triệu tấn/năm. Cây cafe được trồng chủ yếu ở Tây Nguyên, chiếm 91% về diện tích và 93% về sản lượng cafe của cả nước.

Cafe Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu dưới dạng cafe tươi nên chưa tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho bà con

Cafe Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 85 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Xuất khẩu cafe của Việt Nam năm 2022 chiếm hơn 15% thị phần xuất khẩu cafe thế giới, đạt trên 4 tỷ USD. Tuy nhiên, cafe Việt Nam chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô chưa qua chế biến nên giá trị gia tăng chưa cao.

Hiện nay, việc sản xuất cafe của Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk – thủ phủ cafe – nói riêng đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó phải kể đến như ảnh hưởng tiêu cực từ  biến đổi khí hậu, diện tích sản xuất nhỏ lẻ; khai thác đất quá mức, lạm dụng phân vô cơ; sản xuất chưa phát triển theo hướng chuỗi giá trị; cơ sở chế biến chưa đáp ứng được thực tiễn sản xuất cũng như sản phẩm chủ yếu chế biến thô, thiếu chế biến sâu nên chưa tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho ngành cafe.

Theo các bộ, ngành, chuyên gia và nhiều doanh nghiệp nhận định, việc phát triển cafe chất lượng cao gắn với phát triển xanh và bền vững là hướng đi phù hợp cho cafe Việt Nam. Điều này giúp kích thích và khai thác thị trường tiêu dùng cafe trong và ngoài nước, nâng cao giá trị xuất khẩu và đem lại lợi nhuận lớn hơn cho bà con, doanh nghiệp.

Một số ý kiến được đưa ra nhằm xây dựng chuỗi cafe đặc sản, chất lượng cao bao gồm: xây dựng vùng nguyên liệu tập trung; tập trung chế biến sâu, biến Tây Nguyên trở thành trung tâm chế biến của thế giới; nâng cấp hệ thống giao thông, logistics; quảng bá thương hiệu và chất lượng cafe Việt Nam; xây dựng trung tâm đào tạo chuyên ngành cafe.

Cơ hội và thách thức

Các doanh nghiệp Việt Nam đang có nhiều cơ hội để khai thác thị trường Trung Quốc, khi xu hướng sử dụng cafe của người dân Trung Quốc đang ngày càng gia tăng. Hiện nay, người Trung Quốc, đặc biệt là giới trẻ, dân thành thị đang hình thành thói quen sử dụng cafe vào bữa sáng.

Du lịch gắn với cây cafe đang mở ra cơ hội mới cho ngành cafe Việt Nam

Không chỉ Trung Quốc mà EU vẫn luôn là thị trường tiềm năng đối với ngành cafe Việt Nam. Tuy nhiên, các quốc gia này ngày càng đưa ra những quy định khắt khe về sản xuất xanh, bền vững. 

Trưởng ban điều hành Tổ chức Cafe Quốc tế (ICO) Gerardo Patacconi khuyến nghị, ngành cafe Việt Nam cần sớm triển khai các kế hoạch, sẵn sàng thông qua đánh giá của Liên minh Châu Âu để đạt được xếp loại. Đồng thời, cần đáp ứng những yêu cầu khắt khe mà thị trường Châu Âu đưa ra để có thể xuất khẩu cafe vào thị trường này.

Đại diện Công ty cổ phần Sharefarm, ông Lương Văn Hùng đánh giá Việt Nam là quốc gia có dư địa rất lớn để phát triển ngành cafe. Tuy nhiên, trước những khó khăn, thách thức đặt ra đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của nhà nước cùng bà con, doanh nghiệp để gia tăng hơn nữa giá trị ngành cafe Việt Nam, hướng đến phát triển bền vững. Cũng theo ông Lương Văn Hùng, trong thời gian tới, doanh nghiệp này sẽ đẩy mạnh phát triển cafe chế biến sâu, tạo ra những dòng sản phẩm cafe sức khoẻ phục vụ cho từng phân khúc, thị hiếu khách hàng ở mỗi quốc gia. Đồng thời, tích hợp phát triển du lịch trải nghiệm ở những trang trại cafe, lồng ghép những câu chuyện văn hoá, lịch sử để thu hút khách du lịch đến với cafe Tây Nguyên.

Theo Tiến Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *