0983 221 004

Sau gần 20 năm xuất hiện trên vùng đất Tây Nguyên, nay mắc ca Việt Nam đã được xuất đi Nhật Bản và sắp được bày bán tại 180 siêu thị ở Nhật Bản.

Lễ xuất khẩu lô hàng mắc ca chính ngạch đầu tiên ở Đắk Lắk sang thị trường Nhật Bản.

Mắc ca Đắk Lắk chinh phục thị trường khó tính

Với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng thích hợp, huyện Krông Năng là địa phương đầu tiên phát triển cây mắc ca và cũng là huyện dẫn đầu toàn tỉnh Đắk Lắk về diện tích vùng trồng với 2.363 ha. Nổi tiếng với thương hiệu “Mắc ca Krông Năng”, toàn huyện hiện có hơn 1.000 ha diện tích cho sản phẩm. Năng suất ước đạt 17,9 tạ/ha, sản lượng ước đạt hơn 1.700 tấn.

Sau thời gian dài đàm phàn với đối tác cũng như nỗ lực hoàn thiện sản phẩm nhằm đáp ứng những yêu cầu tiêu chuẩn nghiêm ngặt của nước bạn, lô mắc ca Việt Nam đầu tiên đã được xuất khẩu sang Nhật Bản. Đầu tháng 12 tới, sản phẩm mắc mang thương hiệu Việt Nam sẽ được bày bán tại 180 siêu thị lớn trên khắp xứ sở mặt trời mọc.

Hạt mắc ca Việt Nam sẽ được phân phối tại 180 siêu thị bán lẻ tại Nhật Bản từ 1/12/2022 – Ảnh: Báo Đầu tư

Theo đánh giá của ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk, hạt mắc ca Đắk Lắk xuất khẩu sang Nhật Bản có ý nghĩa quan trọng, bởi Nhật Bản là một đối tác lớn trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết với các đối tác toàn cầu. Đồng thời, Nhật Bản cũng là một thị trường tiêu thụ mắc ca lớn trên thế giới.

Cơ hội phát triển vùng nguyên liệu mắc ca bền vững

Đến nay, cả nước có 29 tỉnh trồng mắc ca, tập trung chủ yếu ở vùng Tây Bắc và Tây Nguyên với tổng diện tích là 18.840 ha. Năng suất trung bình đạt 3 tấn hạt tươi/ha; sản lượng ước đạt 8.840 tấn hạt tươi/năm. Mắc ca được trồng phục vụ chủ yếu cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang một số nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.

Tại Đắk Lắk, cây được trồng đầu tiên ở huyện Krông Năng vào năm 2003 với hình thức xen canh cây café. Đến nay, tổng diện tích mắc ca ở Đắk Lắk là gần 3.000 ha, diện tích cho thu hoạch khoảng 1.200 ha và sản lượng ước đạt 1.650 tấn.

Để có thêm nhiều lô hàng xuất khẩu chính ngạch, các doanh nghiệp cần chú trọng liên kết xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, cũng như đầu tư lại quy trình, quy chuẩn thật sự tốt để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Mục tiêu nhằm xây dựng thị trường tiêu thụ ổn định cho hạt mắc ca.

Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ trồng được 130.000 – 150.000 ha mắc ca, xuất khẩu trên 100 triệu USD các sản phẩm từ hạt mắc ca – Ảnh: Dân trí

Trên cơ sở Đề án phát triển bền vững mắc ca, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, Đắk Lắk cũng đã xây dựng kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu mắc ca. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh có 4.000 ha, tập trung tại 7 huyện, thị xã, thành phố, bao gồm: Krông Năng, Ea H’leo, Krông Búk, Cư M’gar, Ea Kar, Buôn Hồ và Buôn Ma Thuột.

Hiện Sở NNPTNT Đắk Lắk đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tăng cường tổ chức các buổi tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật về phát triển cây mắc ca cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời khuyến khích liên kết sản xuất để hình thành vùng trồng thâm canh tập trung nhằm phát triển mắc ca theo chuỗi gía trị, chế biến sâu gắn với thị trường tiêu thụ.

Theo Trang Phạm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *